Hotline: 0944196844

ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG TRONG NGHIÊN CỨU BÀO CHẾ LIPOSOME

08/05/2023
ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG TRONG NGHIÊN CỨU BÀO CHẾ LIPOSOME
Trong nghiên cứu bào chế liposome, việc đánh giá chất lượng liposome tạo thành rất cần thiết để lựa chọn công thức phù hợp. Bài viết này sẽ giới thiệu các chỉ tiêu đánh giá chất lượng liposome.
Hình thái liposome:
Các thông số về hình thái bên ngoài và cấu trúc của liposome như hình dáng, đặc điểm bề mặt, cấu trúc lớp vỏ lipid vv... ảnh hưởng nhiều đến đặc
tính và tác dụng của hệ liposome.
Các thông số hình thái bên ngoài được đánh giá bằng cách quan sát, chụp bởi kính hiển vi điện tử quét (SEM) có khả năng phóng đại đến 300.000 lần
và chụp được các tiểu phân liposome tới kích thước trên 10 nm. Qua đánh giá này thu được hình ảnh bề mặt của liposome.
Để đánh giá cấu trúc cắt ngang của liposome, người ta sử dụng hệ thống kính hiển vi điện tử truyền qua (TEM) có khả năng chụp được mặt cắt
của các tiểu phân. Qua đánh giá này thu được hình ảnh mặt cắt ngang cấu trúc của tiểu phân liposome, hình ảnh cấu trúc lớp vỏ lipid và bên trong nhân của liposome.
Ngoài ra hiện nay người ta còn dùng một số phương pháp đánh giá như chụp bằng kính hiển vi cộng hưởng từ hạt nhân (ARS) cho hình ảnh 3 chiều
của tiểu phân, hiển vi nhiệt quét (STM), hiển vi lực nguyên tử.
Kích thước tiểu phân của liposome và phân bố kích thước tiểu phân:
KTTP của liposome liên quan nhiều đến hiệu quả đưa thuốc đến đích (mô bệnh) của liposome và hiệu quả lâm sàng, thời gian bán thải của thuốc.
KTTP càng nhỏ, gần 100nm sẽ đem lại hiệu quả điều trị cao hơn..Các tiểu phân liposome được bào chế ra có các kích thước dao động trong
một khoảng xác định. Khoảng dao động này càng hẹp, kích thước các tiểu phân liposome càng đều đặn thì độ ổn định của liposome càng cao. Do vậy trong bào chế liposome mang dược chất, ngoài việc làm nhỏ các tiểu phân, nhà bào chế còn phải dùng các kỹ thuật để làm đồng đều hóa các tiểu
phân liposome.
Để xác định kích thước tiểu phân và phân bố kích thước tiểu phân có thể đo trực tiếp bằng các phương pháp chụp hình ảnh trên hoặc các phương pháp
đánh giá như phương pháp nhiễu xạ ánh sáng động hay dùng các thiết bị laser. Kết quả thu được là kích thước của các tiểu phân trong hệ phân bố ở
các khoảng nào với tỷ lệ bao nhiêu. Liên quan đến sự phân bố kích thước tiểu phân của hệ liposome là chỉ số đa phân tán PDI (polydiversity index). Chỉ số này càng nhỏ phản ánh kích thước các tiểu phân trong hệ liposome càng đồng đều. PDI của hệ liposome dưới 0,25 được coi là phân bố hẹp, PDI trên
0,5 là phân bố rộng.
Hàm lượng dược chất gắn vào liposome và khả năng giải phóng dược chất:
Trong dạng thuốc có chứa liposome, tỷ lệ dược chất gắn vào liposome càng cao thì càng thỏa mãn yêu cầu của dạng thuốc. Để đánh giá hàm lượng
dược chất gắn vào liposome người ta định lượng dược chất trong liposome theo phương pháp phù hợp với dược chất. Tính toán lượng dược chất tổng cộng trong cả hệ và lượng dược chất chỉ gắn với liposome sẽ cho biết tỷ lệ dược chất gắn vào liposome trong hệ.
Sinh khả dụng in vitro của liposome được đánh giá thông qua đánh giá khả năng giải phóng dược chất trong các môi trường xác định sau các khoảng
thời gian xác định. Trong đánh giá này thường sử dụng các hệ thống thẩm tích đặt trong môi trường đệm, định lượng dược chất khuếch tán ra môi trường
bằng phương pháp định lượng có hiệu lực để đánh giá khả năng dược chất giải phóng ra môi trường.
Độ ổn định của liposome:
Một trong những lí do làm cho liposome chưa được đưa vào sản xuất hàng loạt là vấn đề độ ổn định của chế phẩm. Trong quá trình bảo quản
liposome không bền về cả mặt hoá học và vật lý:
+ Về hoá học: phospholipid, thành phần chính của vỏ liposome là hợp chất dễ bị oxy hoá. Quá trình oxy hoá tăng nhanh do tác động của các yếu tố:
nhiệt độ, ánh sáng, ion kim loại, pH môi trường vv... .
+ Về vật lý: Có hiện tượng thay đổi tính thấm của lớp lipid trong quá trình bảo quản gây rò rỉ dược chất và sự kết vón liposome làm giảm hiệu suất
dược chất được gắn vào liposome, thay đổi quá trình giải phóng dược chất.
Để đánh giá độ ổn định của liposome, người ta đánh giá các chỉ tiêu chất lượng của liposome (hính thái cảm quan, kích thước, phân bố kích thước, hàm
lượng dược chất, khả năng giải phóng dược chất, vv...) sau các khoảng thời gian xác định mà liposome được bảo quản ở các điều kiện nhất định.
Tổng hợp
Không ngừng học